Sau hơn 2 tháng tiếp cận, FPT Japan đã mang về dự án lớn có giá trị lên tới hàng chục triệu USD, kéo dài trong vòng 3 năm với số CBNV làm việc lúc cao điểm là khoảng 60-80 onsite và 600 đến 800 người offshore. Khách hàng của đơn vị là công ty đã niêm yết trên sàn chứng khoán, chuyên làm các gói giải pháp ERP cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại xứ mặt trời mọc.
FPT giật được hợp đồng khủng long tại Nhật Bản

Với kinh nghiệm hơn 40 năm tại thị trường Nhật Bản, khách hàng kỳ vọng, lần hợp tác với FPT này sẽ giúp họ có thể phát triển sản phẩm mới từ đầu, bao gồm các phân hệ của hệ thống ERP như kế toán tài chính, nhân sự, tiền lương và quản lý tài sản.

Lần đầu tiên trong lịch sử, FPT Japan sẽ đảm nhận vai trò như một công ty SI (Systems Integrator - tích hợp hệ thống), thực hiện tư vấn và giải quyết bài toán công nghệ cho người dùng cuối (end user).

"Khách hàng đang tích cực triển khai các hướng kinh doanh Fintech (kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ) tại Việt Nam và thị trường Đông Nam Á. Ngoài các vendor tại Nhật, họ cần thêm đối tác Việt Nam để hợp tác, và FPT đã được lựa chọn", Giám đốc dự án Lê Téc Nen chia sẻ.

Giai đoạn 1 của dự án sẽ kéo dài trong 4 tháng, từ tháng 6 tới tháng 9/2017, bao gồm các công đoạn dịch tài liệu, tìm hiểu yêu cầu, điều tra hệ thống; Phát triển kiến trúc, framework, API, Utility cho dự án, đồng thời đánh giá hệ thống và đưa ra kế hoạch phát triển tổng thể.


Tham gia dự án này, FPT sẽ xây dựng hoàn thiện hệ thống ERP để triển khai cho hàng loạt doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản. Đây là cơ hội để FPT chứng minh năng lực ở các công đoạn đòi hỏi yêu cầu cao trong dự án phần mềm cũng như áp dụng các công nghệ tiên tiến khi xây dựng kiến trúc hệ thống.

Giai đoạn chính thức bắt đầu từ tháng 10/2017 chia làm 2 phần. Ở phần 1 dự kiến đến tháng 9/2018, FPT sẽ hoàn thành toàn bộ phần xử lý chung (Common Sub System) và phân hệ quan trọng nhất của hệ thống Kế toán tài chính (Chiếm hơn ½ tổng khối lượng công việc của toàn hệ thống). Công ty sẽ tiến hành các công đoạn Thiết kế chi tiết (Internal Design), Triển khai ứng dụng (Implementation), Kiểm tra mức đơn vị (UT) và kiểm tra tiền tích hợp, tập trung vào test chức năng phần FPT làm (Pre-IT). Dựa theo kết quả PreIT, khách sẽ tiếp tục giao hợp đồng cho FPT dạng Time and Material Contract. Việc hỗ trợ khách hàng cho đến lúc Go-live sản phẩm lần 1 của hệ thống diễn ra tháng 3/2019.

Ở phần 2 của giai đoạn chính thức, dự kiến công đoạn FPT đảm nhiệm sẽ hoàn thành vào tháng 9/2019 cho 3 phân hệ còn lại, gồm: Quản lý nhân sự tiền lương, quản lý tài sản, quản lý bán hàng và hỗ trợ khách hàng Go-Live hệ thống vào tháng 3/2020.

Đội FPT đã huy động nguồn lực khá đồ sộ để đọc tổng cộng hơn 4.000 màn hình và hơn 3.000 báo cáo, đưa ra độ phức tạp tổng thế cho ước lượng (estimate) rất lớn. "Khách hàng cũng chưa có chiến lược đánh dự án, vừa đi vừa tìm cách làm, FPT phải bơi trên cái mù mờ để đưa ra độ lớn tham khảo để khách có thể chấp nhận được với chi phí ban đầu của họ. Bản thân FPT cũng nghĩ ra hướng đi cùng khách hàng chứ không phải theo kế hoạch họ đã có", anh Nen nói.

Theo anh Nen, thách thức lớn nhất của FPT trong dự án này là đầu bài của khách hàng đưa ra chưa có đủ "input" (đầu vào). Bài toán của khách muốn xây lại hệ thống mới, hệ thống cũ chạy trên ngôn ngữ delphi mà không đưa ra được mã nguồn (source code). Họ muốn viết lại yêu cầu và FPT làm đề xuất. Hiện các input khá mù mờ, mới có các chức năng chính (function list), FPT phải sử dụng bản hưởng dẫn người dùng cũ để hình dung ra độ phức tạp của màn hình.

Lần đầu ở vị trí “tổng thầu”, FPT Japan sẽ hoàn thiện sản phẩm từ A-Z. Trong đó, về nghiệp vụ ERP, dù đã có đội triển khai hỗ trợ ở offshore nhưng bài toán không chỉ dừng lại ở từng phần việc mà là xây dựng tổng thể. Với quy môn gần 1.000 người làm trong một năm, đơn vị phải chủ động đưa ra hướng đi, giải quyết được kỳ vọng của khách hàng.

Giải bài toán này, FPT Software đã phải huy động nguồn lực từ các Đơn vị phần mềm (FSU) khác nhau công với sự hỗ trợ từ CLI (nhóm phát triển Cloud) để vừa đưa báo giá khớp, vừa phải kết nối nguồn lực, đảm bảo tiến độ công việc đúng thời gian.

Ngoài ra, với dự án cần điều động nguồn lực lớn, sự thành công phụ thuộc vào kế hoạch chi tiết, đào tạo, các loại tài liệu, các loại tool, framework được tạo từ core team triển khai thuận lợi và hiệu quả đến thành viên dự án. Bởi vậy, FPT cần kết hợp được lực lượng nòng cốt, khai thông bước đi dự án và sự máu lửa của anh em có sức trẻ và khát khao tạo ra sản phẩm tốt được công nhận trên thị trường khó tính như Nhật Bản. “Với các thành viên, ngoài những yêu cầu chuyên môn, để tham gia cuộc chơi này thì sự máu lửa và cầu thị là điểm quan trọng bậc nhất trong tiêu chí lựa chọn”, anh Nen khẳng định.

Anh Nen cho hay, có được dự án là tin đáng mừng nhưng làm sao để chuyển giao sản phẩm đúng hạn thực sự là bài toán không đơn giản. "FPT cần bám trụ, đưa ra cách đi phù hợp cho cả hai chiến tuyến thuận lợi, việc xây dựng đội hình cốt lõi (core) là tối quan trọng để đảm bảo chất lượng và tiến độ. Tôi mong muốn ban lãnh đạo cam kết điều động nguồn lực tốt nhất tại các FSU để cùng tham gia trận chiến. Như bất cứ dự án nào, nỗ lực cá nhân và sức mạnh teamwork sẽ giúp chúng ta thành công”, Giám đốc dự án kỳ vọng.