ELSA (English Language Speech Assistant - Trợ lý phát âm tiếng Anh), một ứng dụng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc giúp người dùng nâng cao khả năng phát âm tiếng Anh, đã ghi nhận 30.000 lượt tải về trong vòng 24h đầu tiên ra mắt.
Về công nghệ, ELSA được lập trình để mô phỏng cách dạy của các chuyên gia dạy nói hàng đầu nước Mỹ”. ELSA có đội ngũ kỹ sư và chuyên gia để thiết kế công nghệ nhận diện giọng nói hiện đại nhất ở Mỹ. Nhờ đó, ELSA không chỉ nhận diện chính xác các phát âm sai của người đọc mà còn giúp họ cải thiện từng âm sau khi luyện tập.

Thành phố Austin, Texas, Mỹ, tối 9/3/2016 ghi dấu mốc đáng nhớ của ELSA. Ứng dụng trở nên nổi tiếng khắp thế giới nhờ vượt qua 1.200 đối thủ và giành giải cao nhất cuộc thi danh tiếng SXSWedu, một trong những cuộc thi lớn nhất dành cho những công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực EdTech - Giáo dục và Công nghệ.

ELSA, ứng dụng hỗ trợ luyện tiếng Anh, đã có hơn 700.000 lượt tải về từ trên 90 quốc gia.

Tiết lộ nhân kỷ niệm một năm ngày ra mắt, chị Văn Đinh Hồng Vũ, đồng sáng lập ELSA, cho biết, ứng dụng đã có trên 700.000 lượt tải về từ hơn 90 quốc gia. “ELSA đặc biệt được cộng đồng giáo viên dạy tiếng Anh, trong đó có cả những người chuyên về diễn thuyết trên thế giới, hết lòng ủng hộ và khuyến khích học viên sử dụng hằng ngày để tăng khả năng phát âm tiếng Anh chuẩn như người bản xứ”, chị Vũ chia sẻ và cho biết ELSA còn được chọn là ứng dụng thông minh hỗ trợ cho học sinh quốc tế khi theo học một số chương trình dạy MBA ở Mỹ.


Tại ứng dụng, người dùng có thể chọn những chương trình khác nhau dựa theo nhu cầu, chẳng hạn du lịch hay công sở. Mỗi chương trình sẽ bao gồm các nhóm từ và cụm từ khác nhau. Thuật toán của ELSA sẽ phân tích giọng nói của người học để phát hiện ra những chỗ phát âm sai, gợi ý cách sửa chi tiết như phải uốn lưỡi hay di chuyển môi ra sao để nói được âm đúng.

Theo Hồng Vũ, khó khăn chị thường xuyên phải đương đầu là làm việc trái múi giờ vì các đối tác rải rác từ châu Âu đến châu Á và Mỹ với nhiều khung giờ khác nhau. “Việc thường xuyên phải sẵn sàng để giải quyết công việc đôi khi khiến cuộc sống của Hồng Vũ bị đảo lộn”, nữ khởi nghiệp gia chia sẻ.

“Ngày xưa đi tiếp khách là phải nhấp môi tí cay cay cho lưỡi nó mềm mới nói tiếng Anh được. Giờ thì chỉ cần tập nói 15 phút/ngày với ELSA là ngon ngay”, Giám đốc FPT Ventures Trần Hữu Đức chia sẻ khi chúc mừng sự kiện một năm ngày ELSA ra mắt. “Giá mà ứng dụng cho người dùng tự đổi tên tùy thích, kiểu Ivanka chẳng hạn, thì hay”.

Dù đã là ứng dụng toàn cầu với người dùng ở hơn 90 nước, nhưng Việt Nam sẽ luôn luôn là thị trường mà ELSA muốn tập trung phát triển vì đây là quê hương thân yêu của người sáng lập. “Ngay từ đầu, mong muốn khi xây dựng ELSA của Vũ là để giúp các bạn trẻ Việt Nam có cơ hội tốt hơn khi phát âm tiếng Anh chuẩn. Hiện nay, số lượng người dùng ELSA ở Việt Nam vẫn còn khiêm tốn. Mục tiêu cụ thể ELSA muốn tiếp cận đến ít nhất 80% số lượng người Việt từ 18 đến 27 tuổi vì phát âm chuẩn tiếng Anh sẽ là kỹ năng đắc lực giúp họ hướng đến những cơ hội mới”, chị Vũ nói.

Nhớ lại câu chuyện đáng nhớ ngày đầu ELSA trở nên nổi tiếng, chị Vũ cho rằng đó là việc trong vòng 24h đạt 30.000 lượt tải về đầu tiên, ứng dụng đã bị quá tải và tạm ngưng hoạt động trong vài giờ. Khi ấy, toàn bộ thành viên đã không dự đoán trước được sự dồn dập tập trung sau ít thời gian truyền thông thế giới đưa tin. Tất cả đã phải ứng biến để “cứu” ELSA.

Cạnh đó, ELSA cũng không quên phát triển ở những thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Brazil hay Mexico. Những kế hoạch phát triển này được ELSA coi trọng trong việc phát triển ELSA trong tương lai.

ELSA còn muốn cùng hợp tác với những giáo viên và trung tâm Anh ngữ để thiết kế riêng chương trình học theo yêu cầu của từng lớp. Mới đây, ngày 14/2, phiên bản ELSA 2.0 đã chính thức ra mắt người dùng sử dụng iPhone.

“Chặng đường khởi nghiệp vô cùng chông gai. Tôi hy vọng các bạn hãy bỏ ảo tưởng “khởi nghiệp là rất thời thượng” hay “làm chủ thì sẽ khoẻ hơn đi làm” vì tất cả điều đó không tạo thành động lực mạnh mẽ để giúp bạn vượt qua khó khăn”, sáng lập ELSA chia sẻ khi được hỏi về hành trình khởi nghiệp và khuyên những bạn trẻ đang nung nấu khởi nghiệp hãy đặt ra cho chính bản thân 3 câu hỏi trước khi bắt đầu: bạn có đang theo đuổi một ý tưởng mà bạn hoàn toàn đam mê hay không?; Ý tưởng kinh doanh của bạn đem lại lợi ích gì cho khách hàng mà bạn muốn hướng đến hay cho chính bạn? Và khó khăn mà bạn muốn giải quyết có đủ to lớn?