Bí quyết giúp FPT Telecom trở thành doanh nghiệp chuyển đối kỹ thuật số vừa được chị Chu Thị Thanh Hà chia sẻ cho người dùng

Năm 1997, FPT Telecom là một trong bốn nhà cung cấp dịch vụ Internet được cấp giấy phép từ Tổng cục Bưu điện Việt Nam. Những doanh nghiệp còn lại gồm Công ty Điện toán và Truyền số liệu Việt Nam (VDC) - một công ty con của VNPT; Công ty Cổ phần Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT) - nơi VNPT là cổ đông chính và cuối cùng là NetNam.

Trong nhiều nền kinh tế, không dễ để một nhà cung cấp dịch vụ Internet tiên phong có thể phát triển và duy trì hoạt động độc lập với doanh nghiệp nhà nước. Thậm chí, còn thách thức hơn bởi những công ty nhà nước có lợi thế về kiểm soát cơ sở hạ tầng, và thông qua nó, kết nối tới khách hàng. Điều này khiến cho câu chuyện khởi nghiệp của nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn thứ 2 tại Việt Nam - FPT Telecom - một công ty con của tập đoàn FPT, càng trở nên ấn tượng.


“Vào thời điểm ấy, tôi chỉ dám mơ rằng một ngày nào đó Internet sẽ đến Việt Nam”, chị Hà bộc bạch. Nhưng chỉ chưa đầy một năm sau, chị đã được tin tưởng giao phó xây dựng và quản lý một đội ngũ bán hàng chính thức đầu tiên của Internet FPT.

“Ban đầu chúng tôi chỉ có bốn người, được giao cho một căn phòng rộng 50m2 trên tầng 5 của Tòa nhà FPT 89 Láng Hạ, Hà Nội. Trong phòng chỉ có một chiếc tủ hồ sơ, mấy chục cái modem và một vài server”, chị Chu Thị Thanh Hà, một trong những thành viên đầu tiên và hiện là Chủ tịch HĐQT FPT Telecom nhớ lại. Chị Hà bắt đầu làm việc ở FPT vào đầu những năm 90 (của thế kỷ trước) với tư cách là nhân viên của Trung tâm Phần mềm FPT - vốn là mũi nhọn của tập đoàn. Bởi vào thời điểm ấy, FPT tập trung kinh doanh phần mềm và phần cứng máy tính, sau này mới mở rộng sang mảng Viễn thông. Vào năm 1996, trong một chuyến tham quan tới Singapore nhân sự kiện Communic Asia, chị đã tiếp xúc với Internet lần đầu tiên.

Phát triển nguồn nhân lực

Chị Hà cho biết, hầu hết chi phí của FPT Telecom là tiền thuê cơ sở vật chất và cổng kết nối quốc tế của VNPT, bao gồm VDC. Tuy nhiên, FPT nhanh chóng hướng tới một phân khúc thị trường quan trọng khác: những công ty đa quốc gia tham gia vào giao thương quốc tế - những khách hàng góp phần giúp FPT Telecom hướng sự tập trung vào dịch vụ khách hàng. “Tuy chất lượng đường truyền và cơ sở hạ tầng không nằm trong sự kiểm soát của chúng tôi, nhưng bù lại khách hàng đánh giá cao chất lượng dịch vụ của FPT Telecom. Đặc biệt là những nhân viên trẻ, nhiệt huyết với kỹ năng tiếng Anh tốt", chị Hà chia sẻ.

“Ban đầu, chúng tôi chọn cách “gõ cửa” từng khách hàng. Chúng tôi đến tận nhà họ để ký hợp đồng và nối mạng”, chị Hà chia sẻ. “Hồi đó không nhiều người biết đến Internet, chứ chưa nói tới việc sử dụng nó, nên mọi thứ khá khó khăn. Thêm nữa, thời điểm ấy, đây là một dịch vụ đắt đỏ mà không phải ai cũng đủ điều kiện trang trải”.

"FPT Telecom sớm nhận thấy nguồn nhân lực là trọng tâm của chiến lược phát triển và tạo lợi thế cạnh tranh cho đơn vị. Chúng tôi tổ chức nhiều khóa học, nhiều buổi hội thảo để đào tạo nhân viên của mình. Chính điều này đã giúp công ty có được những kỹ sư cấp cao lành nghề, đội ngũ chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp và các nhân viên kinh doanh tài năng”, nữ Chủ tịch FPT Telecom tiết lộ.

FPT Telecom trở thành doanh nghiệp chuyển đối kỹ thuật số hàng đầu


Phát triển cơ sở hạ tầng riêng

Gần đây, FPT Telecom đã nâng cấp trên 80% số thuê bao từ xDSL lên FTTH (cáp quang) và thiết lập thêm ba đường kết nối quốc tế trên đất liền giữa Việt Nam với Hong Kong. Hơn nữa, với sáu POP đặt tại Hong Kong, Singapore, Nhật Bản và Mỹ, theo chị Hà, FPT Telecom sang ngang với các nhà cung cấp Internet quốc doanh ở Việt Nam trong việc cung cấp chất lượng dịch vụ khách hàng tốt và đem lại nhiều lợi ích hơn cho khách hàng của mình.

FPT Telecom quyết định đầu tư vào hạ tầng riêng sau khi thiết lập được một mạng lưới khách hàng nhất định vào đầu những năm 2000. Năm 2004, đơn vị phát triển xDSL tới từng hộ gia đình tại hai thành phố lớn nhất là Hà Nội và TP HCM. Tới năm 2008, họ đã thiết lập đường kết nối quốc tế đầu tiên với Hong Kong thông qua cáp biển AAG.

"Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng trong những năm gần đây, bao gồm một đường truyền quang tới tận nơi cho khách hàng, và có kế hoạch phát triển lên đến 100 Gbps từ các dịch vụ cơ bản cho tới mạng metro với hệ thống cáp biển và đất liền”, chị Hà chia sẻ.

Tất cả đều vì khách hàng

Chúng tôi cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu và an ninh mạng, như là một phương tiện đa dạng hóa dịch vụ và bảo vệ khách hàng, đáp ứng kịp xu hướng Internet của vạn vật (Internet of things - IoT).”

“Chúng tôi hiện có hơn 2 triệu thuê bao Internet và Truyền hình IPTV, trong đó hai phần ba là cáp quang”, người đứng đầu FPT Telecom cho hay. “Chúng tôi từng là nhà cung cấp dịch vụ triple-play (Internet, VoIP, IPTV) đầu tiên, rồi đến FTTH, chuyển đổi từ hạ tầng cáp đồng sang cáp quang, và phát triển các ứng dụng di động để nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng.

Năm 2016, FPT Telecom là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng doanh nghiệp chuyển đổi kỹ thuật số của năm (Digital transformation of the Years) do International Data Corporation (IDC) trao tặng cho những nỗ lực liên tục để lập kế hoạch và đáp ứng những yêu cầu cần thiết của một nhà cung cấp dịch vụ hiện nay.

“Tôi hy vọng các doanh nghiệp Viễn thông Việt Nam sẽ tiếp tục có những điều kiện thuận lợi để liên tục đổi mới, đưa ra hàng loạt các dịch vụ mới, ứng dụng mới để góp phần vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam và khu vực”, Chủ tịch FPT Telecom khẳng định.