Trước đó, Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) đã gửi công văn đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo triển khai một số nội dung như ngừng phát kênh chương trình truyền hình tỉnh trên sóng truyền hình analog từ 0 giờ ngày 30/12. Sau thời điểm này, kênh truyền hình analog chỉ phát đi bảng thông báo về việc ngừng phát sóng và thông tin hướng dẫn chuyển xem truyền hình số mặt đất.
Chính thức cắt sóng truyền hình Analog tại 8 tỉnh thành toàn quốc

Ngày 30/12, 8 tỉnh gồm: Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Long, Hậu Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc và Bình Dương đã chính thức tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất (analog) thuộc giai đoạn 2 của đề án Số hóa truyền hình Việt Nam.

Thời gian duy trì phát bảng thông báo tối thiểu 3 ngày. Bộ TT-TT cũng yêu cầu các đài phát thanh truyền hình và Sở TT-TT liên tục cập nhật thông tin mới nhất về vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 đồng thời bố trí nhân lực trực tại cơ quan để giải đáp thắc mắc của người dân...

Đại diện FPT Telecom (đơn vị chủ quản của Truyền hình FPT), cho hay, khi tắt sóng Analog sẽ là thị trường “màu mỡ” để các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình khai thác, với các hình thức khác nhau như: truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh, truyền hình trên giao thức internet… Đặc biệt, IPTV đang khẳng định vị thế của mình với sự tiện lợi, tức thời và áp dụng công nghệ tiên tiến.


Theo đề án số hoá tại Việt Nam, đến năm 2020 việc chuyển giao mới hoàn thành. Hiện tại, đề án đang bước vào giai đoạn 2 của lộ trình, với dự kiến 26 tỉnh thành tiếp theo thuộc nhóm 2 sẽ ngừng phát sóng truyền hình Analog.

Đến thời điểm này, Việt Nam đã hoàn thành số hóa truyền hình ở 13 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trước đó, 5 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng và Hải Phòng đã hoàn thành số hóa truyền hình.

Dịch vụ truyền hình trên Internet (IPTV) đang dần trở nên quen thuộc. Theo thống kê của Bộ TT-TT, năm 2015, số lượng thuê bao truyền hình trả tiền đạt khoảng 9,9 triệu thuê bao, trong đó thuê bao truyền hình cáp chiếm 80,8%.