Hành trình của anh Cường khởi phát vào tháng 9/2015, khi đội ngũ Cần Thơ bước vào một cuộc chiến. Anh Trần Văn Thiện, Giám đốc FPT Telecom Cần Thơ, cho biết, khối lượng công việc vào thời điểm đó là rất lớn. Vì thế, nếu chỉ có nhân sự của chi nhánh thôi thì không đủ để đáp ứng hiệu suất dự án. Đội ngũ từ TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai từng thực hiện quang hóa trên các địa bàn cũng được điều động hỗ trợ.
Thời gian dự án được triển khai cũng là lúc điện lực ở địa bàn thực hiện cắt điện nên mọi thứ không được chủ động. Anh Nguyễn Quốc Đức, Phòng Kỹ thuật, chia sẻ trong thế bị động, phương án chủ động nhất là theo điện lực và xoay vòng để công việc không bị chậm tiến độ. Thành viên Trần Trọng Nghĩa cho biết đó là thời gian đội ngũ kỹ thuật thường phải về muộn, có hôm sau 9h.

Hơn nửa năm thực hiện, dự án quang hóa Cần Thơ nay đã hoàn thành, mang lại một diện mạo và cách làm mới trong chặng đường chinh phục khách hàng của Viễn thông FPT Cần Thơ. Đằng sau đó là niềm tin và những giọt mồ hôi của đội ngũ thực hiện dự án.

Anh Nguyễn Huy Cường, Quản trị dự án, không đếm nổi số lần đi về giữa Cần Thơ và Sài Gòn trong 7 tháng qua. Theo thông lệ, cứ thứ sáu hằng tuần, anh lại ngồi xe mất 4 giờ về Cần Thơ họp với anh em và trở lại Sài Gòn vào ngày hôm sau. Những chuyến đi - về ấy đã trở thành cơm bữa và mảnh đất Tây Nam Bộ giờ như nhà của anh Cường. Quản trị viên cũng quen với những quán ăn đặc trưng, thuộc những con đường đất phù sa mặn mòi.


Công việc được tiến hành theo nhiều giai đoạn, có sự phối hợp chặt chẽ giữa khối điều hành, đội ngũ kỹ thuật cũng như kinh doanh của đơn vị. Những tập điểm phải được chấm chi tiết và cân nhắc kỹ lưỡng để vừa thực hiện quang hóa vừa có thể phục vụ khách hàng. Từ đó đưa ra những con số cụ thể để thực hiện. Tiếp theo là thuê đối tác kéo hạ tầng, hàn nối, quang hóa. Mọi thứ được lập trình kỹ càng và đầy cẩn trọng.

Khi đội ngũ từ nhiều khu vực khác đến hỗ trợ, kỹ thuật viên chuyển hẳn sang “đại bản doanh” khác để tiện thực hiện các công việc. Nơi “đóng quân” của đội kỹ thuật là ba căn nhà được thuê lại để mọi người ngồi làm việc, cũng là nơi gối đầu mỗi tối sau một ngày làm việc vất vả. Vì là nhà cho thuê nên không có máy lạnh, mọi người phải “chữa cháy” những cơn nóng oi bức bằng cách dán giấy lên kính. Cùng ngồi một mái nhà, sát cánh trong dự án nhiều tháng liền, anh em từ nhiều nơi có dịp gần gũi với nhau hơn qua những buổi đi ăn trưa ngoài hàng quán hay tổ chức ăn uống tại nhà, đi chơi đâu đó.

Chi nhánh Cần Thơ từ lâu đã nuôi heo đất thông qua hình thức phạt tiền vui vẻ cho các lỗi mà thành viên mắc phải. Đội kỹ thuật cũng nuôi một con heo và nó “phát phì” nhanh chóng bởi mức phạt của đội gấp 5 lần so với chi nhánh. Đó là những ngày đầu khi anh em còn chưa quen việc, lỗi mắc phải liên tục. Tuy nhiên, dần về sau, khi mọi việc chạy theo đúng guồng máy, mọi người không phải bị phạt nữa nhưng chú heo cũng đã có số tiền kha khá đủ để liên hoan vui vẻ.

Dự án quang hóa dự kiến kết thúc vào cuối tháng 4 nhưng hoàn thành sớm vào ngày 10/4 vừa qua, trước 20 ngày. Dự án có sự tham gia của 144 nhân viên từ nhiều bộ phận nay đã hoàn thành và tạo một bước đi mới cho đơn vị. Anh Lưu Minh Thông, Trưởng phòng giao dịch Thốt Nốt, chia sẻ, khi có cáp quang, việc kinh doanh trở nên thuận lợi hơn và tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn. “Dự án giúp chúng tôi tự tin hơn khi nói chuyện với khách hàng”, anh khẳng định

Theo anh Trần Văn Thiện, dự án nay đã hoàn thành nhưng nỗi lo vẫn còn. “Bao nhiêu tiền của đổ vào thì phải làm khác đi chứ không phải cứ như trước đây. Trách nhiệm của chúng tôi cực kỳ lớn, phải khai thác hiệu quả, phát triển tốt hơn và giữ chân khách hàng bằng nhiều cách hơn nữa”. Anh Vũ Anh Tú, Phó TGĐ Viễn thông FPT, chia sẻ việc quang hóa tạo nên một cuộc chơi mới. “Giờ đây, toàn quốc chúng ta đã có 2.000 POP ngoài trời. Do đó phải đổi mới để cung cấp dịch vụ tốt hơn”, anh chia sẻ.

Với kỹ thuật viên Võ Huỳnh Phúc Giao, anh có ấn tượng đặc biệt với một khách hàng trong quá trình thực hiện dự án. Không hiểu sao cứ mỗi lần Giao và đồng nghiệp đến là đúng lúc khách hàng này cầm dao trên tay. Vì cột điện ở khu vực heo hút này là do người dân tự làm nên khách hàng có tâm lý hơi e dè với sự thay đổi. Giao cho biết, mấy lần ghé ngang rất hoang mang và lo sợ nhưng câu hỏi “chẳng lẽ để khách hàng rời mạng?” luôn đau đáu khiến chị quyết định phải “liều”. “Tôi chuẩn bị tinh thần để sẵn sàng chạy”, Giao hóm hỉnh. Tuy nhiên, khi tiếp xúc và giải thích rõ ràng để khách hàng biết rằng ngoài việc kéo cáp, FPT sẽ dọn lại đường dây cho gọn gàng và nhẹ hơn thì khách hàng đồng ý ngay.

Anh Hồ Minh Việt, Trưởng phòng Kỹ thuật, kể quá trình thu hồi cáp là đáng nhớ nhất với anh. Cáp đã kéo từ lâu nên ngoài hiện trường đôi khi cũng thay đổi rất nhiều. Với loại cáp treo ngoài trời, thời gian lâu sẽ phai mờ và không còn nhãn thể hiện cáp của đơn vị. Khi anh em trèo lên trụ lần kiếm từng sợi cáp dưới cái nắng gắt đôi lúc cũng bị choáng và mờ mắt dẫn đến xác định nhầm cáp.

Để thực hiện quang hóa, một phần việc quan trọng phải kể đến nữa là thuyết phục khách hàng. Có khách hàng rất hợp tác và cũng có những khách hàng rất khó khăn, thậm chí không chấp nhận quang hóa và rời mạng dù con số này không nhiều. Đội ngũ kỹ thuật ngoài đảm trách phần việc chuyên môn nay trở thành những thuyết phục viên và lặn lội đến từng nhà dân từ trung tâm cho đến ngoại thành. Trần Hoàng Anh kể, có hôm anh phải ngồi cả ngày để thuyết phục khách hàng. “Tôi dùng mọi biện pháp từ năn nỉ, nhờ người khác, có ca phải đấu tranh tư tưởng rất lớn với nỗi lo sợ khách hàng rời mạng”. Cũng có những hộ gia đình Hoàng Anh phải đến liên tiếp mỗi ngày trong một tuần mới nhận được cái gật đầu để thở phào nhẹ nhõm.

Cũng có những lần anh em kỹ thuật chỉ biết chờ khách hàng thanh lý hợp đồng bởi tính bất khả thi. Đó là những ca liên quan đến chợ khi ban quản lý chỉ cho phép một vài đường dây nhất định. “Mọi người phải gửi công văn, chuyển lên chuyển xuống nhưng vẫn không được, đành buông xuôi và chỉ biết hỏi xem khách hàng có nhu cầu lắp cáp ở nhà hay không”, Hoàng Anh chia sẻ.