Ngày 9/11, SIC thông báo đã thoái vốn khỏi FPT. Cụ thể, đơn vị này bán 1.025.629 cổ phiếu, trong đó có 1.025.620 là giao dịch khớp lệnh qua sàn và 9 cổ phiếu bán cho Công ty Chứng khoán TP HCM (HSC) thu mua cổ phiếu lẻ.
Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC (SIC) chỉ còn 2 cổ phiếu FPT sau giao dịch gần nhất.

SIC là thành viên của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chuyên đầu tư tài chính. Ngày 11/10, SIC thông báo sẽ bán hết số cổ phiếu FPT đang nắm giữ - 1.025.631 đơn vị - giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 13/10 đến 10/11. Đơn vị này cho biết việc bán cổ phiếu FPT nhằm mục đích đầu tư tài chính.


Sau giao dịch, thành viên SCIC còn 2 cổ phiếu. Đơn vị này cho biết do đây là cổ phiếu lẻ dưới mức giao dịch nên sẽ bán trong thời điểm gần nhất khi các công ty chứng khoán thu mua.

Từ ngày 2 đến 6/11, mã FPT tăng 6,49%. Trong tuần qua, cổ phiếu của tập đoàn luôn giao dịch với khối lượng lớn. Phiên ít nhất (ngày 2/11) đạt hơn 141 tỷ đồng và phiên nhiều nhất (ngày 4/11) với hơn 231 tỷ đồng "chảy" qua sàn. Trong phiên 9/11, FPT đang ở mức giá 51.500 đồng.

Theo dữ liệu, trong khoảng thời gian từ 19/10 đến 5/11, cổ phiếu FPT đã tăng giá từ 47.100 đồng/cổ phiếu lên 53.500 đồng/cổ phiếu. Tính toán cho thấy, tổng giao dịch của SIC nằm trong khoảng 50 tỷ đồng.

Trong số 10 doanh nghiệp mà SCIC được quyền chọn thời điểm thích hợp để trình phương án thoái vốn có Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (mã VNM), Công ty Cổ phần FPT (FPT), Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom), Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (BMC)...

Trước đó, ngày 13/10, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ký văn bản cho phép SCIC “chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc thoái hết vốn tại 10 doanh nghiệp nhằm đạt được lợi ích cao nhất”.

Kết thúc 9 tháng đầu năm, FPT ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 29.257 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ, đạt 105% kế hoạch lũy kế. Lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 1.969 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ, đạt 99% kế hoạch luỹ kế.