Theo đó, anh Bùi Quốc Vương, Trung tâm Phát triển hạ tầng (INF), với ý tưởng “Giải pháp Quản lý Cơ sở dữ liệu thuê bao hạ tầng quang thụ động” đã trở thành chủ nhân của giải Vàng Sáng tạo FTEL kỳ này với giải thưởng trị giá 5 triệu đồng.
Từ 144 ý tưởng, Ban lãnh đạo FPT Telecom chọn 3 sáng kiến xuất sắc trao giải tháng 8 và 9 với vị trí cao nhất thuộc về nhân viên Trung tâm Phát triển hạ tầng.

Hiện nay, hạ tầng cáp quang (Passive Optical Network - PON - nghĩa là mạng quang thụ động hay một hình thức truy cập mạng cáp quang) đang sử dụng bộ chia (splitter) là một thiết bị quang thuần túy nên chưa thể quản lý chính xác đến từng cổng đầu ra của bộ chia. Ý tưởng của anh Vương sẽ giải quyết thấu đáo bài toán này để quản lý chính xác tới từng thuê bao trên hạ tầng PON nhằm rút ngắn thời gian triển khai, bảo trì thuê bao, hạ tầng.


Theo chủ nhân sáng kiến, giải pháp này sẽ giúp tiết kiệm chi phí, nhân công quản lý hạ tầng; có thể áp dụng vào quản lý core cáp hạ tầng, tối ưu phương án và chi phí quản lý, vận hành hạ tầng cũng như tạo nền tảng cho việc phát triển và áp dụng toàn bộ công nghệ đã và sẽ có lên hạ tầng. Ý tưởng của anh Vương thuyết phục được Ban lãnh đạo cũng chính là các giám khảo của Sáng tạo FTEL chấm giải Nhất.

“Trong từng công việc, mọi môi trường đều là nguồn gốc của sáng tạo, ai cũng có những thách thức riêng từ đó nảy ra những sáng kiến mới. Bởi vậy tôi kỳ vọng tất cả CBNV FPT Telecom và mọi bộ phận đều sẽ nỗ lực hết mình”, PTGĐ Hoàng Trung Kiên, thành viên ban giám khảo, đặt niềm tin.

Giành giải Bạc kỳ tháng 8-9 là chị Phạm Thị Minh, Trung tâm Chăm sóc khách hàng, với đề xuất cài phần đăng nhập (Login) cho Cisco để nhập mật khẩu một lần thay vì nhập mật khẩu cho tất cả cuộc gọi ra

Chị Minh cho rằng, hiện mỗi ngày, một nhân viên chăm sóc khách hàng chủ động phải gọi ra trung bình 150-200 cuộc. Mỗi cuộc gọi ra đều phải nhập theo cú pháp: New call - 99 - mật khẩu - số điện thoại cần gọi vào hệ thống Cisco. Ý tưởng của chị Minh nhằm rút ngắn thời gian bấm gọi đến hàng nghìn khách hàng một ngày. "Mỗi cuộc sẽ rút ngắn được vài giây. Nếu tính trên hàng nghìn khách hàng trong ngày sẽ là vài tiếng, và cả tháng sẽ là vài ngày. Điều này giúp tránh lãng phí thời gian của công ty", chủ nhân ý tưởng lý giải.

Anh Khánh cho rằng máy phát điện dự phòng là phần quan trọng nhất của một trạm truyền dẫn tuyến trục. Khi xảy sự cố về điện lưới, các máy phát này cần được giám sát và điều khiển từ xa nhằm phát hiện sớm các lỗi của máy phát và có thể chạy máy phát định kỳ hằng tuần có tải hoặc không tải. Nhưng hiện tại, trạm truyền dẫn mới chỉ giám sát được bên trong trạm, và riêng máy phát điện vẫn chưa theo dõi được trạng thái cũng như các thông số quan trọng như: Điện áp ắc quy đề máy, mức nhiên liệu còn lại, chế độ tự động hay hay chỉnh tay, điện áp phát ra, dòng tải hiện hữu. "Bộ điều khiển này giúp kết nối với máy phát điện sau đó đưa về hệ thống giám sát chung của công ty", anh Khánh nêu ý tưởng.

Giải Đồng thuộc về anh Nguyễn Duy Khánh, Ban quản lý dự án đường trục Bắc Nam. Sáng kiến của anh Khánh là phát triển bộ điều khiển máy phát điện ở các trạm truyền dẫn tuyến trục để có thể điều khiển máy phát chạy từ xa, giám sát các thông số cơ bản của máy phát, và chạy có tải/không tải máy phát định kỳ không cần có nhân sự xuống tận nơi thực hiện.

Sáng tạo FTEL đang bước vào chặng đua cuối và dự kiến kết thúc chiến dịch năm 2015 vào ngày 31/12. Mọi ý tưởng xin gửi về:
Mã nguồn PHP:
https://www.surveymonkey.com/s/sangtao 
. Các ý tưởng xuất sắc sẽ được tôn vinh, khen thưởng và ứng dụng triển khai vào thực tế.

Sau 31 tuần diễn ra, chiến dịch Sáng tạo FTEL 2015 đã thu về 739 ý tưởng dự thi. Chốt tháng 9, cuộc thi đang là cuộc tranh đua khá cân tài cân sức giữa hai vị trí đầu bảng xếp hạng là Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) với 198 ý tưởng và Ban quản lý và phát triển đường trục với 154 ý tưởng. FPT Telecom Bình Phước vẫn đang là đơn vị có nhiều sáng kiến gửi về nhất (13 ý tưởng) trong khối các chi nhánh tỉnh.