Trong thông báo gửi đến các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP), đơn vị vận hành tuyến cáp quang AAG cho biết, theo dự kiến, tàu sửa cáp sẽ đến vị trí sự cố vào khoảng 11h ngày 23/1. Mối hàn đầu tiên dự kiến vào lúc 17h ngày 25/1, trong khi mối hàn cuối cùng hoàn tất vào 3h ngày 28/1. Đơn vị sửa chữa sẽ hoàn thành việc chôn cáp và khôi phục đường truyền vào 7h ngày 29/1, tức mùng 2 Tết Nguyên đán.
Đây là sự cố đầu tiên của cáp AAG trong năm 2017. Năm 2016, đã có 4 lần cáp AAG đứt và bảo trì, lần lượt vào các tháng 3, 6, 8 và đầu tháng 9. Việc tuyến cáp quang AAG gặp lỗi có thể làm ảnh hưởng đến tốc độ kết nối Internet đi quốc tế. Tuy nhiên, với những truy cập trong nước sẽ không bị ảnh hưởng.

Dự kiến tuyến cáp quang AAG sẽ hoàn tất việc sửa chữa và hoạt động bình thường trở lại vào ngày 29/1 (tức mùng 2 Tết) sau hơn 20 ngày kể từ khi gặp sự cố.

Cáp quang biển Asia - America Gateway (AAG) gặp sự cố ngày 8/1 khiến Internet Việt Nam đi quốc tế gặp ảnh hưởng. Khi xảy ra sự việc, các nhà mạng trong nước đã chủ động định tuyến lưu lượng Internet sang các hướng khác để đảm bảo thông suốt mạng lưới.

Đơn vị vận hành tuyến AAG cho hay, đây chỉ là thời gian dự kiến bởi việc sửa chữa tuyến cáp còn phụ thuộc vào thời tiết.


Mới đây, 4 nhà mạng tại Việt nam vừa đưa vào khai thác tuyến cáp quang biển Asia Pacific Gateway (APG) được kỳ vọng giúp Internet từ Việt Nam đi quốc tế nhanh hơn. APG có băng thông 54 Tb/s, gấp nhiều lần so với mức 2,88 Tb/s của AAG. Tổng chiều dài tuyến cáp APG là 10.400 km, có giá trị đầu tư toàn tuyến khoảng 600 triệu USD. Tuy nhiên, do mới đưa vào khai thác nên tuyến cáp quang APG vẫn chưa hoạt động ổn định.

Tính đến năm 2016, hơn 60% Internet quốc tế của Việt Nam đi qua AAG. Ngoài Việt Nam, tuyến cáp quang AAG cũng rẽ nhánh vào Philippines, Brunei, Malaysia...

AAG là tên viết tắt của Asia - America Gateway, hệ thống cáp quang biển dài 20.000 km, kết nối khu vực Đông Nam Á với tuyến cáp của Mỹ thông qua khu vực đảo Guam và Hawaii. Tại Việt Nam, các ISP như Viettel, VNPT, FPT Telecom, VDC, SPT đều sử dụng tuyến cáp quan trọng này để kết nối với quốc tế.

Trong khi đó, tuyến cáp mới APG có chiều dài 10.400 km, đặt ngầm dưới Thái Bình Dương, đi qua 9 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á, bao gồm Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.