11 món thịt chó ngon mà bạn không thể bỏ qua
Thịt chó là một trong các món ăn ngon và bổ dưỡng, thông thường ông bà ta có câu " cầy tơ 7 món " nghĩa là cầy tơ ngon thì làm được 7 món ăn, nhưng trong thời buổi công nghệ hiện đại với các cách chế biến thịt chó độc đáo, hiện nay các quán ăn có thể làm đến 11 món thịt chó ngon và thậm chí nhiều hơn tùy theo cách thức sáng tạo của các đầu bếp.
11 món thịt chó ngon mà bạn không thể bỏ qua
Vậy 11 món thịt chó ngon nhất là gì?
1. Tiết canh chó
2. Dồi chó
3. Thịt luộc
4. Chả nướng (Chả chìa)
5. Sườn xào
6. Lòng xào
7. Nhựa mận
8. Xáo ninh
9. Óc chó
10. Chả chiên lá na
11. Tái áp chảo
Đây là tên của 11 món được chế biến đặc biệt từ thịt chó, để làm các món này ngon bạn nên chọn những con chó có độ năng khoảng từ 8 - 10 kg là đạt chuẩn. Sau đó thì sơ chế thịt chó theo cách sau:
Cầy tơ sau khi đã thui xong, rửa thật sạch với nước, vừa dội nước vừa dùng dao cạo sạch trên da cho thịt cầy hết cáu đen. Đặt cầy nằm ngửa rạch một đường dọc giữa ngực xuống tới bụng dưới và móc lấy bộ lòng để ra ngoài. Tiếp theo bắt đầu tiến hành xả thịt. Muốn dễ dàng trong việc xả thịt này, xin cống hiến sơ đồ đã phân chia từng phần để làm các món.
Cách chế biến 11 món của thịt chó ( 11 món cầy tơ không thể bỏ qua )
Để làm một lúc 11 món thịt chó ngon bày ra mâm cỗ không hề đơn giản từ khâu chuẩn bị đến khâu chế biến phải thật bài bản, bạn cần chuẩn bị đầy đủ các vật liệu và các nguyên liệu dưới đây một cách đầy đủ nhất.
VẬT LIỆU : 3 nồi nhỏ, 3 nồi vừa, 2 nồi to, 1 thớt to, vỉ nướng, rơm, than củi, 1 dao phay, 1 dao chặt, cối đá, rổ rá, 1 chảo đất, 1 chảo gang, .
GIA VỊ KÈM THEO: Riềng, mẻ, lá bí đao, lá lốt, lá mơ, húng quế, húng lìu, chanh ớt, vừng, đậu xanh, mắm tôm, nước mắm, muối, hành sống, sả, lá na, mỡ nước, thịt lợn nạc, mỡ lợn sống, dầu ăn.....
Khi đã có đầy đủ vật liệu và gia vị kèm theo ta có thể chế biến 11 món thịt chó hấp dẫn:
1. Món tiết canh chó: (huyết cầy tơ)
Nhân tiết canh gồm thịt da đầu, lưỡi, thái và băm nát, cho một ít húng quế vào băm luôn. Băm xong cho nhân vào từng đĩa có lòng sâu. Mỗi đĩa tuỳ nhân nhiều hay ít,số lượng tiết cũng theo đó mà tăng giảm. Nhưng thường thường từ 3 đến 4 thìa tiết đổ thêm 5 đến 6 thìa nước lạnh (nước này là nước luộc thịt múc ra trước để cho nguội). Khi đổ nước vào tiết, cần quấy nhanh tay và đổ liền vào đĩa nhân. Chừng ½ phút thì đĩa tiết canh sẽ đông lại. Lấy 5,6 miếng gan đặt lên trên tiết canh theo hình ngôi sao.
Lưu ý : Gặp khi tiết không đông, nên nếm tiết xem có mặn không, nếu tiết mặn đổ thêm chút nước lạnh quấy đều, tiết sẽ đông. Nếu nhận thấy ít nhân, có thể băm thêm một ít ruột cây chuối non, trộn lẫn với nhân thit.
2. Óc chó (óc cầy tơ)
Sau khi lấy cả bộ óc, trộn thêm 100 gr mỡ lợn sống, 100 gr mỡ cầy, đem băm nát với ba củ hành ta và tra nước mắm tôm, nước riềng, nước mẻ (mỗi thứ một thìa cà phê). Xếp lá bí đao thành nhiều lượt rộng bằng 2 bàn tay, đặt trên thớt, đổ óc vào giữa, gói theo hình vuông, buộc chỉ bên ngoài thành chữ thập (như gói bánh chưng).
Một bộ óc có thể làm 2 gói - nếu muốn thêm một vài gói nữa thì băm thêm 200 gr thịt nạc cầy. Gói xong, cho vào nồi nhôm, lấy nước luộc thịt đổ ngập, đậy vung kín và cho lên bếp đun, chừng 30 phút sẽ chín.
Chú ý : Món này ăn đầu tiên, nên lựa thời gian để khi thực khách vào bàn ăn thì vừa chín, ăn nóng mới ngon. Ăn luôn cả lá bí đao bọc ngoài. Lấy dao xẻ trước làm 4 phần.
3. Món dồi chó
Tất cả khúc ruột non, ruột già phải “lộn lèo” để rửa sạch sẽ bằng muối. Nhớ đừng cắt dạ dày rời cuống ruột non, vì sẽ dùng dạ dày để dồn nhân vào ruột cho dễ dàng.
Nhân dồi trộn bằng những gia vị sau :
- 1 thìa mẻ
- 1 chút riềng
- 2 nắm lá mơ
- 1 thìa mắm tôm
- 1 thìa nước mắm
- 1 lít mỡ lợn sống và mỡ chó
- 100 gr đậu xanh rang chín, giã nát
Tất cả các gia vị trên cho vào chậu thau nhỏ trộn nhuyễn và dồi vào khúc ruột non. Nên cho vào 3,4 thìa thịt luộc để khi tuốt nhân chứa từ dạ dày xuống được trơn tru. Trước khi dồn nhân, lấy dây buộc chặt khúc cuối ruột, và buộc đầu dạ dày sau khi đã nhồi nhân xong. Cho vào nồi luộc chín. Khoảng 30 phút sau dùng một chiếc đũa tre vót nhọn, đâm sâu vào đầu, giữa, đuôi khúc dồi, cốt ý để xả hơi làm cho nhân dồi nở, chặt. Vớt khúc dồi ra để trong rổ cho khô ráo. Trước bữa ăn, cho vào chảo chiên vàng (cũng có thể nướng bằng rơm). Thái hơi vát từng khúc dồi bằng đốt ngón tay đặt vào đĩa. Khúc dồi lớn (dạ dày) đặt sát mặt đĩa, khúc dồi nhỏ đặt ở giữa và thái tim gan đặt lên trên.
4. Thịt chó luộc ( cầy tơ hấp )
Xử dụng một đùi sau để làm món thịt luộc. Luộc luôn tim gan, thịt da đầu (lóc trước), lưỡi để làm nhân tiết canh. Nồi luộc phải dùng nồi lớn, cho nhiều nước. Vì nước luộc này sẽ còn dùng cho nhiều món sẽ nói ở sau.
Lưu ý : Thái thịt luộc cần phải dùng con dao phay mỏng lưỡi, sắc bén. Thái mỏng và to bản. Mỗi miếng thịt luộc phải có đủ 3 thành phần : da, mỡ, thịt.
5. Món chả nướng (chả chìa cầy tơ )
Lấy một đùi sau và một đùi trước, thái từng miếng nhỏ, bỏ vào thau các gia vị sau :
- 1 chút húng lìu
- 3 thìa mắm tôm
- 1 thìa nước mắm
- ½ bát riềng đã giã nát
- ½ bát mẻ đã nghiền nát
- 3 cây sả đập dập và thái nhỏ
Trước nhất, vắt nước riềng vào thịt nướng, bóp thật kỹ cho nước riềng thấm vào từng thớ thịt, rồi lần lượt đến mẻ, mắm tôm, bã riềng. Khi tất cả gia vị đã tra xong, cũng cần pahir nhào bóp trong khoảng 5 phút nữa. Lúc đó, thịt đã ngả màu trắng ngà. Trước khi nướng thịt, cho vào 3 thìa tiết, 1 thìa mỡ lợn, 1 nắm húng quế thái nhỏ trộn
Dụng cụ để nướng gồm 1 hoả lò dùng than củi, 1 vỉ nướng, 1 chiếc quạt. Than phải thật hồng. Khi nướng, một tay cầm vỉ, một tay cầm quạt. Vỉ pahir được đảo ngửa sấp liên hồi, cốt ngăn mỡ không chảy nhiều xuống lò than tránh gây ám khói vào thịt. Cần phải quạt luôn, chiều gió quạt từ trên xuống lò, cốt áp đảo ngọn lửa đừng cho cháy thịt. Khi thịt nướng vàng đều, đổ ra thau, quạt vỉ khác.
Thời gian nướng chả chìa là khoảng độ 30 phút.
6. Món tái áp chảo ( cầy tơ áp chảo )
Thịt ở hai bên ngực (nằm trên 2 bộ sườn) được lóc ra để nguyên mảnh thịt như hình chữ nhật. Đặt lên mặt thớt, lấy một chiếc đũa tre vót nhọn, xâm vào khắp mảnh thịt, lấy nước riềng, nước mẻ, nước mắm tôm rưới vào mảnh thịt cho thấm, thái húng quế sát trên thịt, sau đó đem ướp độ 1 giờ sau thì áp chảo. Đặc biệt món tái áp chảo này phải dùng chảo đất. Phải cho to lửa, khi chảo đã nóng, đặt từng mảnh thịt vào chảo. Lật ngửa lật úp chừng 3 phút là chín tái.
Để nguội, gần đến giờ ăn hãy thái từng miếng nhỏ, mỏng, dài độ 4 cm. Trộn với vừng rang giã dập.
7. Chả chó chiên là na
Lóc thịt nạc ở 2 bên lườn xương sống, và ở rải rác các khớp xương khác, có thể lấy thêm thịt đùi. Cho thêm 300 gr thịt lợn nạc, băm nhuyễn cùng với gia vị : riềng, mẻ, mắm tôm mỗi thứ 1 thìa, chút muối, chút nước mắm, 5 củ hành ta.
Rửa sạch lá na, lựa lá to (nếu không sẵn lá na thì thay bằng lá lốt). Lá cần phải để cuống dài. Lấy thịt đã băm sẵn to bằng đốt ngón tay, đặt bên trên mặt lá, cuộn tròn cho tới sát cuống lá, lấy một chiếc tăm tre chọc thủng lỗ nhỏ vào giữa khúc chả, ấn cuống lá ngập vào (gói như các bà gói miếng trầu).
Khi chiên chả, cần đổ nhiều mỡ, chờ cho mỡ sôi mới cho chả vào chiên. Chả ngả màu vàng vàng thì vớt ra, chiên mẻ khác.
8. Món chả sườn
Sườn được rọc từng 2 khúc xương một, chặt từng miếng ngắn bằng đốt rưỡi ngón tay. Tra mắm tôm, riềng, mẻ, 1 thìa mỡ lợn, trộn đều cho vào nồi nhỏ đặt lên bếp đun cho khô, đổ vài ba muôi nước luộc thịt, khi nào thấy sền sệt là được.
Sườn còn dùng để làm món khác nữa, món chả chìa. Món này thay vì xào thì đem nướng, ướp thêm sả, mỗi miêng chả chìa dài bằng cả 1 ngón tay út.
9. Món thit chó nấu rựa mận
Một đùi trước và tất cả các da thịt để làm nhựa mận như thịt bụng, lưng, cổ, xắt từng miếng nhỏ. Cách thức tra gia vị giống như món thịt nướng. Món này, ướp trong thời gian 1 tiếng. Trước khi đem lên bếp đun, cho vào 3 thìa tiết, 3 thìa mỡ lợn, trộn đều.
Khi thấy thịt xào đã khô (nhớ lấy đũa đảo liên hồi phòng thịt khê) lấy nước luộc thịt đổ vào nồi nhựa mận, đổ thừa trên mặt thịt 1 đốt ngón tay. Đun chừng hơn 1 tiếng thì nước và thịt sẽ dẻo và keo lại. Món này cần ăn nóng, vì thế phải tính thời gian cho sát.
10. Lòng xào ( lòng cầy tơ xào )
Lấy khúc ruột già, một đoạn ruột non, phổi, 1/3 buồng gan. Tra riềng, mẻ, mắm tôm đem xào khô, vớt ra.
Dùng một củ chuối non, thái từng mảng mỏng rồi xắt từng miếng dài to bằng sợi bún, xắt đến đâu ngâm ngay vào chậu nước, nước này được pha vào một thìa mẻ, giữ cho củ chuối được trắng.
Sau khi rửa sạch, cho vào chảo xào chín, đổ vào bát nước luộc thịt. Tra thêm nước mắm, muối, mẻ. Trước khi bắc chảo khỏi bếp, đổ lòng vào trộn đều, đun ít phút nữa.
11. Xáo ninh ( Cầy tơ xáo măng )
Xử dụng nồi luộc thịt, sau khi xào xương xong, đổ vào nồi. Ninh chừng 2 tiếng thì thịt nhừ. Tuỳ theo sở thích từng nơi, có thể nấu thêm với măng tươi hoặc măng khô.
Món này cũng để chan bún. Khi múc xáo vào bát, nhớ múc luôn cả những đốt xương sống. Các khúc xương này thịt nhừ và có tuỷ, ăn rất ngon, bùi và ngọt. Món này ăn nóng về cuối bữa tiệc.
Món thị chó ăn ngon không phải chỉ ở cách nấu hay chế biến mà ông bà ta còn quan tâm đến các yếu tố như thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Người làm phải dọn dẹp vệ sinh chỗ bày mâm cỗ thật gọn gàng, dọn các món cầy tơ đã chế biến lên trên các đĩa trắng, chuẩn bị đầy đủ rau và gia vị kèm theo để thưởng thức. Đặc biệt rượu ngon thì phải có bạn hiền - không mua không phải không tiền không mua, do đó nhớ rủ bạn bè đến cùng thưởng thức mới thật đúng phong vị đậm đà khi thưởng thức món cầy tơ 11 món này nhé.
Nhắm một miếng thịt hấp hay dồi chấm vào mắm tôm bỏ vào nhai trong miệng, cắn thêm một miếng xả nữa cho thơm thì ôi thôi đúng bài, nhấc ly rượu lên thưởng thức sau khi đã nuốt miếng thịt vào bụng thì còn gì tuyệt vời hơn ông mặt trời nữa chứ.