Phiên giao dịch thị trường chứng khoán ngày 23/5, dù thị trường quay đầu giảm điểm nhưng mã cổ phiếu FPT vẫn duy trì đà tăng với lượng giao dịch vượt 100 tỷ đồng.
Mã FPT tăng lên tiếp 5 phiên khi chuẩn bị chốt cổ tức

Mã FPT và một số bluechips như HPG, HSG, REE, DHG… duy trì được sắc xanh giúp VN-Index không giảm sâu. Cụ thể, FPT tăng 350 đồng (tương đương 0,7%), từ 48.500 đồng lên 48.850 đồng. Tính từ phiên 17/5, cổ phiếu nhà F đã tăng liên tục 5 phiên, từ mức 47.500 đồng/cổ phiếu lên 48.850 đồng/cổ phiếu.

Buổi sáng, thị trường liên tục rung lắc mạnh trước sức ép bán lớn ở vùng giá cao, trong khi tâm lý nhà đầu tư cũng thận trọng trở lại khiến thanh khoản không còn dồi dào như vài phiên trước đó. Nỗ lực đỡ giá giúp VN-Index vẫn có được sắc xanh khi kết phiên sáng.

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch chiều, trước việc lực cầu giảm sút rõ rệt, trong khi áp lực bán vẫn dứt khoát, nên VN-Index nhanh chóng lao về mốc 740 điểm và đóng cửa ở mức gần thấp nhất ngày. Thanh khoản sàn HOSE cũng giảm mạnh khoảng 22% so với phiên trước đó.

Với hơn 2 triệu cổ phiếu sang tay trị giá hơn 103 tỷ đồng, đây cũng là phiên có lượng giao dịch kỷ lục, tính từ phiên gần nhất là ngày 10/10/2016 (hơn 2,1 triệu cổ phiếu).


Đóng cửa, với 110 mã tăng và 153 mã giảm, VN-Index giảm 3,17 điểm (-0,43%) về 740,93 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 266,8 điểm, giá trị 4.795,45 tỷ đồng.

Ngày 26/5 là phiên chốt danh sách nhận cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% và cổ phiếu với tỷ lệ 15%. Đây là phần còn lại của gói cổ tức 35% năm 2016 đã được ĐHCĐ thông qua (10% tiền mặt đã tạm ứng).

Trên sàn Hà Nội, mã FPT Telecom giao dịch ở giá 86.100 đồng/cổ phiếu, giảm 700 đồng so với mở phiên trong khi FTS (Chứng khoán FPT) đứng giá 12.100 đồng/cổ phiếu.

Kết thúc 4 tháng, FPT ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 12.975 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp đạt 904 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ, sau thuế còn 759 tỷ đồng, tăng 18%. Như vậy, bình quân mỗi ngày FPT báo lãi hơn 6 tỷ đồng.