60 tuyến phố chính Hà Nội chuẩn bị hạ ngầm cáp quang FPT Viettel VNPT
UBND TP Hà Nội vừa ra thông báo truyền đạt kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung tại cuộc họp ngày 15/2 về triển khai công tác hạ cáp ngầm các đường dây internet FPT Vietel VNPT đi nổi trên địa bàn Hà Nội.
60 tuyến phố chính Hà Nội chuẩn bị hạ ngầm cáp quang FPT Viettel VNPT
Năm 2017, Hà Nội dự kiến sẽ hạ ngầm cáp viễn thông đối với 120 tuyến phố. Trong đợt 1, Thành phố đã duyệt giao các doanh nghiệp triển khai với 60 tuyến phố. Cũng theo ông Nguyễn Tiến Sỹ, trong năm 2017, dự kiến sẽ triển khai hạ ngầm cáp viễn thông đối với tổng số 120 tuyến phố. Trong đó, với đợt 1/2017, Thành phố đã duyệt giao các doanh nghiệp triển khai hạ ngầm cáp với 60 tuyến phố.
Bên cạnh đó, Sở TT&TT Hà Nội cũng được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan xây dựng quy chế phối hợp giữa các doanh nghiệp khai thác sử dụng, quản lý, duy trì các công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng chung trên địa bàn; xây dựng giá cho thuê công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật sử dung chung trên địa bàn với tiêu chí bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và thành phố, bảo đảm thời gian thu hồi vốn, trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt.
Cùng với yêu cầu VNPT, Viettel, MobiFone, EVN Hà Nội và FPT khẩn trương hoàn thành 18 tuyến hạ ngầm cáp của năm 2016, lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng chỉ đạo 5 doanh nghiệp này trong tháng 3 tới phải khởi công hạ ngầm 60 tuyến cáp đã được giao đợt 1/2017.
Thông báo nêu rõ, sau khi nghe lãnh đạo các Sở Xây dựng, Sở TT&TT báo cáo, tổng hợp ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, ý kiến phát biểu của các Phó Chủ tịch UBND thành phố, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chỉ đạo Sở TT&TT Hà Nội khẩn trương tính toán dung lượng cáp, dung lượng ống, thông báo cho tất cả các đơn vị có nhu cầu sử dụng.
UBND TP Hà Nội giao Sở KH&ĐT khẩn trương thẩm định quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, dự thảo các văn bản liên quan, trình UBND thành phố xem xét trước ngày 20/2.
Sở Xây dựng được giao theo dõi, giám sát quá trình triển khai hạ ngầm của các doanh nghiệp, tiến độ thực hiện, hoàn trả mặt bằng; chủ trì tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, nhất là trong quá trình thỏa thuận với các hộ dân; phối hợp với Sở Tư pháp khẩn trương hoàn chỉnh quy định tạm thời về cấp phép thi công hạ ngầm hệ thống đường dây viễn thông và đường dây điện lực trung hạ áp tại các tuyến phố trên địa bàn thành phố để làm cơ sở cấp phép đồng loạt cho các tuyến trong danh mục đã được UBND thành phố chấp thuận triển khai hạ ngầm; đề xuất quy cách, chủng loại, hình dáng, kích thước các tủ pilar, viên đá lát vỉa hè, đảm bảo về độ bền, mỹ quan, tính đồng bộ, thống nhất trên toàn thành phố. Thời hạn thực hiện các nội dung trên, theo yêu cầu của Chủ tịch UBND thành phố là trong tháng 2/2017.
UBND quận Hoàn Kiếm được chỉ đạo bàn giao cho các doanh nghiệp thực hiện tiếp các tuyến hạ cáp ngầm đã được UBND thành phố chấp thuận. Các doanh nghiệp tiếp nhận bàn giao khẩn trương thực hiện hạ cáp ngầm bảo đảm đúng tiến độ.
Sở GTVT có trách nhiệm thống nhất các phương án thi công các tuyến cáp qua cầu Trung Tự (tuyến Đào Duy Anh - Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc), tuyến phố Giang Văn Minh tại vị trí giao với dự án cống hóa mương Kim Mã - Sơn Tây trong tháng 2/2017 để đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến cáp ngầm.
UBND các quận có tuyến phố hạ cáp ngầm được giao xây dựng kế hoạch chỉnh trang đường phố ngay sau khi thực hiện xong hạ ngầm; rà soát, đề xuất các tuyến phố triển khai hạ ngầm đợt 2 gửi các Sở TT&TT, Xây dựng để tổng hợp, rà soát, thống nhất trình UBND thành phố xem xét.
Đáng chú ý, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu 5 doanh nghiệp gồm VNPT, Viettel, MobiFone, EVN Hà Nội và FPT khẩn trương hoàn thành các tuyến hạ ngầm cáp trong năm 2016. Đối với các tuyến giao đợt 1 năm 2017, yêu cầu khởi công trong tháng 3/2017, hoàn thành chậm nhất quý III/2017. Các doanh nghiệp khi thi công thực hiện hạ ngầm phải bảo đảm nhanh, gọn, chuyên nghiệp, hạn chế ảnh hưởng đến các hộ dân, hoàn trả mặt bằng ngay khi thi công (thi công ban đêm, hoàn trả mặt bằng trước 6 h sáng) để không làm ảnh hưởng đến giao thông và các công trình ngầm, nổi trên tuyến đường.
Theo biên bản, các doanh nghiệp này sẽ triển khai hạ ngầm đồng bộ hệ thống đường dây viễn thông và đường dây điện lực trung, hạ áp tại các tuyến phố phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của Thủ đô. Trong đó, ưu tiên việc sử dụng chung hạ tầng và chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông, kết hợp với việc ngầm hóa, chỉnh trang đô thị, xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại; đồng thời tổ chức quản lý, khai thác công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng chung theo đúng quy định và hiệu quả. Được biết, tổng mức đầu tư để triển khai hạ ngầm hệ thống đường dây viễn thông và đường dây điện lực trung, hạ áp trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 là khoảng 3.500 tỷ đồng.
Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư về việc hạ ngầm hệ thống đường dây viễn thông và đường dây điện lực trung, hạ áp trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 giữa UBND TP Hà Nội với 4 doanh nghiệp VNPT, Viettel, MobiFone và EVN Hà Nội đã được ký kết ngày 4/6/2016, trong khuôn khổ hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”.
Ông Nguyễn Tiến Sỹ, Trưởng phòng Bưu chính Viễn thông của Sở TT&TT Hà Nội, cho biết, trong năm 2016, Thành phố đã phê duyệt kế hoạch giao các doanh nghiệp triển khai hạ ngầm hệ thống đường dây cáp viễn thông và điện lực trung, hạ áp trên 18 tuyến phố. Đến nay, các doanh nghiệp đã hoàn thành hạ ngầm cáp tại 14/18 tuyến phố được giao trong năm ngoái.
Tiếp đó, vào cuối tháng 6/2016, lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội đã đồng ý việc FPT tham gia triển khai hạ ngầm cáp viễn thông trên các tuyến phố Hà Nội theo phương thức xã hội hóa.