Viễn thông FPT tăng trưởng mạnh năm 2017 theo chứng khoán Hưng Phú
Theo PHS (Chứng khoán Hưng Phú), FPT đã công bố kết quả kinh doanh năm 2016 với tổng doanh thu đạt 40,545 tỷ đồng, tăng 4.6% so với năm 2015. So với kế hoạch kinh doanh năm 2016 mà công ty đặt ra là doanh thu đạt 45,796 tỷ đồng, công ty chỉ mới hoàn thành 89% kế hoạch.
Viễn thông FPT tăng trưởng mạnh năm 2017 theo chứng khoán Hưng Phú
PHS nhận định, Khối công nghệ tăng trưởng tích cực nhờ xuất khẩu phần mềm tăng mạnh. Theo đó, doanh thu xuất khẩu đạt 6,121 tỷ đồng, tăng 26% yoy và đóng góp 15.1% trong tổng doanh thu. Xuất khẩu phần mềm đóng góp lớn nhất trong doanh thu xuất khẩu, đạt 5,181 tỷ đồng, tăng 26% so với 2015 và thị trường Nhật Bản tiếp tục là thị trường trọng điểm chiếm 55% doanh thu Xuất khẩu phần mềm và cũng là thị trường tăng trưởng tốt nhất với mức tăng 52%.
“Triển vọng kinh doanh ở thị trường này khá tích cực do các công ty Nhật Bản đang có xu hướng thuê ngoài các doanh nghiệp khối ASEAN để giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, Việt Nam là ứng cử viên số một”, báo cáo của Chứng khoán Phú Hưng viết.
Báo cáo phân tích mới nhất của Chứng khoán Phú Hưng (PHS) đối với cổ phiếu FPT cho rằng việc thoái vốn mảng bán lẻ để tập trung vào viễn thông là chiến lược đúng đắn.
Doanh thu của FPT đến từ 4 mảng chính gồm: Khối công nghệ (gồm Phát triển Phần mềm, Tích hợp Hệ thống, Dịch vụ Tin học) đạt 9,952 tỷ đồng (+16% yoy (year on year) và chiếm 25% trong cơ cấu doanh thu); Khối viễn thông (gồm Viễn thông và Nội dung số) đạt 6,666 tỷ đồng (+22% yoy và chiếm 16% trong cơ cấu doanh thu); Khối phân phối – bán lẻ tiếp tục là khối mang lại phần lớn doanh thu (chiếm 57%) đạt 23,037 tỷ đồng (-9%) và Khối giáo dục đóng góp một tỷ trọng nhỏ (2%) đạt 890 tỷ đồng (+27% yoy).
“Khối viễn thông nhiều khả năng tiếp tục tăng trưởng mạnh trong tương lai không những nhờ triển vọng tích cực của ngành với chỉ mới có 3,6 triệu thuê bao sử dụng cáp quang trong khi Việt Nam có đến gần 24 triệu hộ gia đình và hơn 500 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động mà còn nhờ vào việc FPT ghi nhận thêm doanh thu và lợi nhuận từ mảng viễn thông nếu gia tăng sở hữu tại FPT Telecom sau khi SCIC thoái toàn bộ 50,16% vốn tại doanh nghiệp này theo định hướng của Chính phủ, PHS nhận định.
Khối viễn thông tăng trưởng tích cực nhờ xu hướng chuyển sang sử dụng cáp quang có giá thành cao hơn không nhiều so với cáp đồng, trong khi tốc độ đường truyền lại vượt trội, cao gấp khoảng 4 lần. Theo số liệu từ Cục Viễn Thông, từ 280 nghìn thuê bao đầu năm 2014, sang đầu năm 2015 đã có 800 nghìn thuê bao và đến đầu năm 2016 là 3,63 triệu thuê bao sử dụng cáp quang. Trong 3 nhà cung cấp dịch vụ Internet hàng đầu tại Việt Nam (gồm VNPT, Viettel và FPT với tổng thị phần trên 80%) thì thị phần FPT có sự cải thiện tích cực nhất. Theo đó, thị phần lần lượt của FPT, VNPT và Viettel đầu năm 2015 là 6%, 34%, 59% và đầu năm 2016 là 25%, 33%, 41%.
Thêm nữa, chi phí khấu hao từ các dự án quang hóa cũng tiết giảm và kỳ vọng tiếp tục ghi nhận mức thấp trong năm 2017 do quy mô đầu tư sẽ nhỏ hơn rất nhiều so với dự án quang hóa đã làm từ 2014 tới nay. FPT đã hoàn thành quang hóa tại hầu hết các thành phố lớn Hà Nội, TP HCM (hoàn thành 2015), Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ, Hải Dương, Khánh Hòa (năm 2016).
Với kế hoạch tăng trưởng 2 con số mà HĐQT đạt ra cho năm 2017 là 46.619 tỷ đồng doanh thu (+15% yoy) và 3.408 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (+13% yoy), Chứng khoán Phú Hưng tin rằng FPT có thể đạt được kế hoạch nhờ triển vọng khối công nghệ và viễn thông vẫn tăng trưởng tích cực, mảng phân phối không còn sụt giảm quá mạnh trong khi mảng bán lẻ tiếp tục tăng trưởng tích cực nhờ dự kiến mở thêm 70 cửa hàng mới trong năm nay.
Mặc dù mảng bán lẻ của FPT xếp thứ 2 thị trường nhưng công ty chịu cạnh tranh khốc liệt từ những đối thủ khác như Thế giới di động hay Viễn thông A nên biên lợi nhuận rất thấp. “Chúng tôi đánh giá cao chiến lược thoái vốn khỏi mảng bán lẻ để tập trung vào mảng viễn thông do mảng này còn nhiều tiềm năng phát triển và mang lại biên lợi nhuận cao. Tuy việc thoái vốn khỏi mảng bán lẻ có thể mang lại khoản tiền lớn nhưng việc thực hiện thương vụ này vẫn trong quá trình đàm phán còn việc tăng sở hữu tại FPT Telecom thì phụ thuộc chủ yếu vào tiến trình thoái vốn của SCIC nên trong kết quả dự phóng cho năm 2017 chúng tôi vẫn chưa tính toán đến các yếu tố này”, báo cáo của PHS viết.
"Khuyến nghị tăng tỷ trọng với cổ phiếu FPT với giá thị giá ở mức 45.050 đồng", PHS nhấn mạnh. "Chúng tôi định giá cổ phiếu FPT ở mức 50.527 đồng dựa trên 2 phương pháp: P/B (tỷ trọng 50%, P/B ước tính năm 2015 là 2.0x và BVPS dự phóng cho năm 2017) và P/E (tỷ trọng 50%, P/E ước tính năm 2017 là 10.5x và EPS dự phóng cho năm 2017)".