Dự án hạ cáp gây thiệt hại cho hàng nghìn người dùng Internet
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về việc sắp xếp các đường dây, cáp đi nổi trên các tuyến phố, đơn vị thi công đã tiến hành cắt cáp, bao gồm cả những tuyến đúng quy định, khiến nhiều đơn vị viễn thông, trong đó có FPT Telecom, chịu thiệt hại lớn.
Sáng ngày 6/7, Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và Thiết bị đô thị Hà Nội đã tiến hành cắt các đường dây cáp ở phố Cát Linh khiến Internet ở khu vực này gần như bị mất kết nối hoàn toàn. Ngày 7/7, đơn vị thi công tiếp tục cắt cáp tại Nguyễn Công Trứ và hiện chưa thống kê được thiệt hại.
Theo lịch trong công văn số 4091, ngày 6 và 7/7, Công ty Chiếu sáng và Thiết bị đô thị Hà Nội và thanh tra Sở Xây dựng tiến hành cắt dây, cáp đi nổi còn lại trên các tuyến phố Cát Linh, Nguyễn Công Trứ và Trần Nhật Duật - nơi có nhiều tuyến cáp quan trọng của FPT Telcom. Đây là việc hạ cáp theo chỉ thị số 01 ngày 2/1 của UBND TP Hà Nội về việc thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị 2014" do Sở Xây dựng và Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và Thiết bị đô thị thực hiện. |
Đây là hoạt động thực hiện theo công văn số 4901 của Sở Xây dựng và UBND TP Hà Nội về việc sắp xếp các đường dây, cáp đi nổi trên các tuyến phố nhằm thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị".
Theo công văn, Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và Thiết bị đô thị Hà Nội sẽ lắp hệ thống xà, kéo dây văng, cố định vòng đai thép bó cáp để các đơn vị viễn thông chủ động luồn những đường cáp vào sau khi đã phân loại, cắt bỏ các đoạn cáp không hoạt động. Những đoạn cáp được đưa vào cần gắn thẻ nhận biết. Các sợi cáp đi bên ngoài, không có thẻ được coi là cáp không sử dụng và sẽ được cắt thanh thải. Đơn vị thi công sẽ cắt các dây, cáp đi nổi trên những cột thép chiếu sáng.
Anh Nguyễn Công Toản, Giám đốc Trung tâm Phát triển và Quản lý Hạ tầng miền Bắc của FPT Telecom, cho biết, ngay từ khi phổ biến chủ trương, công ty đã chủ động rà soát trước, thực hiện bó gọn và thanh thải cáp cũ nát theo lịch của Sở Xây dựng, đồng thời triển khai các tuyến cáp theo hướng mới, phương án đấu nối dự phòng cho những kết nối quan trọng, nhằm hạn chế thời gian gián đoạn và giảm thiểu hậu quả do việc cắt cáp gây ra. Đơn vị cũng tăng cường lực lượng ứng trực, phối hợp với các Sở, ngành và đơn vị cắt cáp đúng theo lịch để chuyển đổi, khắc phục dịch vụ cho những khách hàng bị gián đoạn kịp thời nhất.
Tuy nhiên, ngành chủ quản và đơn vị thi công lại không thực hiện theo đúng phương án đã được thống nhất trong công văn 4091 gây ảnh hưởng lớn cho toàn bộ đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông và truyền hình cáp như: Viettel, CMC, VNPT, VTV Cab, FPT Telecom...
Cụ thể, Công ty TNHH MTV Chiếu sáng đã cắt tất cả sợi cáp, kể cả cáp mà các đơn vị đã thực hiện đưa vào vòng đai thép, gắn thẻ đúng yêu cầu (tại phố Đào Duy Anh, Cát Linh) và cáp trên cột điện lực. Hậu quả khiến nhà mạng và khách hàng sử dụng dịch vụ bị thiệt hại nặng nề. Việc cắt cáp đã gây gián đoạn dịch vụ của hàng nghìn khách hàng và làm mất một loạt kết nối trọng điểm.
Giám đốc Trung tâm Chăm sóc khách hàng FPT Telecom Trần Thanh Hà cho hay, việc hạ cáp đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác chăm sóc khách hàng của FPT Telecom. "Mọi việc diễn ra không theo kế hoạch đã thống nhất giữa đơn vị thi công và các nhà mạng nên gây ra nhiều bất cập. Nhiều khách hàng lẽ ra chưa bị ảnh hưởng bỗng bị gián đoạn. Có những khu vực đúng ra chỉ bị ngắt kết nối trong thời gian ngắn lại kéo dài hơn, khách hàng cũng không được thông báo kịp thời và chính xác thời gian gián đoạn dịch vụ... khiến nhiều người không hài lòng", anh chia sẻ.
Theo anh Hà, các khách hàng cá nhân có tần suất sử dụng không cao khá thông cảm với khó khăn của FPT Telecom khi họ thấy tận mắt việc cắt hạ cáp mà nhà mạng không thể làm gì khác được. Khách hàng là cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp mặc dù hiểu được tình hình nhưng cũng liên tục giục khắc phục sự cố sớm. Đặc biệt trong số đó có một số khách hàng rất cần dịch vụ như Kho bạc Nhà nước, Đại sứ quán Pháp…
Ngay khi xảy ra sự việc ngoài tầm kiểm soát, Trung tâm đã cử người đến hiện trường cùng đơn vị giải quyết sự cố và đại diện kinh doanh liên tục cập nhật các điểm bị cắt để kịp thời thông báo tới khách hàng bằng SMS hoặc điện thoại trực tiếp cũng như xin lỗi người dùng về sự cố này. Nhờ sự kết hợp chặt chẽ giữa các đơn vị với nhau, việc thông báo tiến độ khắc phục sự cố dự kiến tới khách hàng cũng diễn ra thuận lợi hơn.
Đại diện FPT Telecom lo ngại, nếu tuyến Nguyễn Công Trứ và Trần Nhật Duật vẫn làm theo cách này sẽ gây ảnh hưởng nặng nề, nguy cơ gián đoạn vài chục nghìn khách hàng, mất kết nối nhiều kênh quan trọng.
Dự kiến FPT Telecom sẽ gửi công văn tới Sở Thông tin và Truyền thông bày tỏ mong muốn các ngành chủ quản tổ chức họp và hướng dẫn quy trình thực hiện, phối hợp và hỗ trợ xử lý khó khăn phát sinh để đảm bảo quyền lợi cho người dùng Internet.
Nguyễn Nhàn