Nhà cung cấp viễn thông cạnh tranh nhau bằng truyền hình HD
Các nhà mạng ra sức cạnh tranh khuyến mãi, giá, tăng kênh... Nay lalij bước vào cuộc so tài mới đó là thu hút khách hàng bằng truyền hình độ phân giải cao (HD).
Trong các chiến dịch thu hút thuê bao gần đây, hầu hết các đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền đều nhấn mạnh tới lượng kênh có độ phân giải cao (High Definition - HD) trên hệ thống của mình, bên cạnh các cam kết về dịch vụ, chế độ hậu mãi...
Cùng với số lượng điểm ảnh hiển thị trên màn hình cao gấp nhiều lần so với SD (Standard Definition - độ phân giải tiêu chuẩn), mang lại hình ảnh chi tiết, sắc nét hơn, rất nhiều chương trình truyền hình sản xuất theo công nghệ HD còn hỗ trợ âm thanh lập thể 5.1, vì vậy HD còn mang lại chất lượng âm thanh tốt hơn nhiều so với SD. Đây cũng là công nghệ truyền hình tiên tiến được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới.
Trong tầm giá thuê bao dưới 100.000 đồng mỗi tháng, công ty Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV) hiện là nhà cung cấp nhiều nhất các HD (30 kênh, giá 80.000 đồng). Tiếp đó là Truyền hình An Viên (AVG) có 10 kênh HD với giá 88.000 đồng. Ở mức giá cao hơn, công ty Truyền hình cáp Việt Nam có gần 30 kênh HD với cước thuê bao 160.000 đồng (gồm 110.000 đồng thuê bao cáp và 50.000 đồng cho các kênh HD).
Khách hàng của FPT, doanh nghiệp viễn thông vừa bước chân vào thị trường truyền hình trả tiền, sẽ trả 140.000 đồng một tháng để xem 20 kênh HD và trả thêm nếu có nhu cầu sử dụng gói phụ trội (cho phép người tiêu dùng xem thêm một số kênh độc quyền của các đài khác). VNPT cũng không nằm ngoài cuộc chơi khi cung cấp 14 kênh chất lượng HD...
Đắt nhất hiện nay là dịch vụ của công ty Truyền hình số vệ tinh VSTV (sở hữu đài K+) với gói 14 kênh HD với giá 220.000 đồng một tháng. Tất cả các nhà cung cấp dịch vụ đều phát hàng chục kênh chất lượng SD kèm theo.
Ngoài cạnh tranh về số lượng kênh cho gói kênh, các đài cũng kèm một số chương trình khuyến mại khác như tặng đầu thu HD cho khách hàng (SCTV), hoặc giảm giá (K+, AVG), FPT khuyến mại phí lắp đặt... Cước thuê bao hàng tháng cũng được các nhà đài thay đổi theo hướng có lợi cho khách hàng trong khi vẫn cam kết cung cấp đầy đủ chất lượng và dịch vụ.
Trao đổi với VnExpress, ông Lê Đình Cường-Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) cho rằng cuộc đua chất lượng HD của các nhà cung cấp dịch vụ là kết quả của lộ trình số hóa truyền hình do Chính phủ phê duyệt. "Việc nhà đài chú trọng vào kênh phát sóng là dấu hiệu tốt, có lợi cho người tiêu dùng", ông nhận định.
Theo lãnh đạo VNPayTV, cuộc đua giữa các nhà cung cấp truyền hình trả tiền đang nóng lên, nhất là sau khi có sự tham gia của doanh nghiệp viễn thông như Viettel, FPT bên cạnh tham vọng mở rộng thị phần ra phía Bắc của SCTV (đơn vị lâu nay nắm đa phần thị trường truyền hình trả tiền phía Nam). Thị trường miền Bắc vẫn được xem là miếng bánh tốt cho các đơn vị truyền hình trả tiền trong khi khu vực phía Nam gần như bão hòa về thuê bao.
Một chuyên gia nhận định, với thế mạnh về công nghệ, hạ tầng và kinh nghiệm, các doanh nghiệp như FPT, Viettel, SCTV... có thể đẩy nhanh lộ trình số hóa truyền hình và sớm có trong tay thị phần quan trọng. Theo lộ trình cơ quan quản lý đề ra, bắt đầu từ năm 2016, các nhà đài sẽ ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương, chuyển sang số mặt đất (chất lượng hình ảnh và âm thanh cao hơn).
Tuy cạnh tranh đang có lợi cho người dùng, ông Cường cũng không khỏi e ngại trước một số dấu hiệu không tích cực, đặc biệt trong vấn đề cạnh tranh giá. "Các đơn vị hạ giá để hút thuê bao mới, kéo thuê bao của doanh nghiệp khác, chính vì vậy việc đưa ra một mức giá sàn để chống phá giá là rất cần thiết", ông khẳng định.
Bên cạnh đó, chất lượng thực tế của các chương trình cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Lãnh đạo VNPayTV xác nhận hiện có một số doanh nghiệp cam kết cung cấp chương trình độ phân giải cao nhưng thực tế không được như vậy và điều này đang gây khó cho cơ quan quản lý, đồng thời thiệt thòi cho người tiêu dùng.
Ngày nay, hầu hết các loại TV đang bày bán trên thị trường đều có cỡ màn hình phù hợp với độ phân giải HD hoặc fullHD, thậm chí cao hơn. Điều này khiến các chương trình phát theo chuẩn SD không còn phù hợp do hình ảnh bị kéo giãn, giảm độ sắc nét và âm thanh cũng không tốt. Do đó, người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi những kênh chất lượng cao.
Anh Phạm Tuấn Anh (Âu Cơ, Hà Nội) cho biết cả gia đình đều thấy hài lòng với việc sử dụng truyền hình độ phân giải cao. "Các chương trình giải trí như bóng đá, đặc biệt là phim khi xem độ phân giải cao cho cảm giác cuốn hút, sống động bởi hình ảnh sắc nét, âm thanh đa kênh. Nhưng tôi nghĩ các chương trình truyền hình không cần thiết phải ở chuẩn HD", anh chia sẻ.
Theo thống kê của Cục Quản lý Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2013 cả nước có hơn 40 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền nhưng thị phần tập trung trong tay 3 đơn vị lớn. Trong đó, SCTV giữ 40%, VCTV 30% và HTV 15%. Thị phần 15% chia cho số doanh nghiệp còn lại, trong đó có tới 26 đơn vị truyền hình cáp (ngoài ra có vệ tinh, số mặt đất, truyền hình IP, truyền hình di động). |
Anh Quân